Xã Đông Giang: Bảo vệ rừng để chống biến đổi khí hậu.

          Cập nhật ngày 12/10/2015




          BT- Xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa mang nét khí hậu chuyển tiếp giữa vùng cực Nam Trung bộ và khí hậu ôn hòa vùng cao nguyên Đà Lạt – Lâm Đồng. Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ trung bình hàng năm của xã tăng lên khoảng 27,30C, trong đó tháng cao nhất là 340C, thấp nhất khoảng 24,50C. Sự tăng lên của nền nhiệt đã khiến đời sống của người dân gặp không ít khó khăn, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên.

          Để ứng phó với các biểu hiện xấu của thời tiết, trong những năm qua, xã Đông Giang đã thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, biện pháp được xã Đông Giang chú trọng là thực hiện biện pháp bảo vệ rừng, tăng cường trữ lượng các bon rừng. Diện tích rừng tự nhiên hiện có của xã là 8.852,6ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 79,7%, Đông Giang đã thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình 135. Diện tích rừng trên địa bàn xã được các đơn vị chủ rừng giao khoán toàn bộ cho người dân địa phương quản lý theo hộ hoặc nhóm hộ. Hiện tại, mỗi hộ dân ở xã Đông Giang nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích 34,4ha, thu nhập bình quân hàng năm khoảng 6.880.000 đồng. Để giảm tình trạng người dân phá rừng lấy đất sản xuất, xã Đông Giang đã thực hiện tốt chính sách bảo đảm giải quyết đủ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, với diện tích 2 ha/hộ.

          Mới đây, HĐND xã Đông Giang đã tổ chức kỳ họp để thông qua kế hoạch thực hiện REDD+ giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, trong giai đoạn này Đông Giang sẽ tập trung vào nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu, giảm mất rừng và suy thoái rừng, tăng cường bảo tồn trữ lượng các bon rừng và quản lý rừng bền vững tại địa phương. Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc hỗ trợ, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Trong giai đoạn 2015 – 2020, Đông Giang phấn đấu giảm 80% số vụ cháy rừng, giảm 90% số vụ lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp; giảm 80% số vụ khai thác gỗ trái phép. Khi tham gia thực hiện kế hoạch REDD+, người dân sẽ được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tham dự các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp… Nguồn vốn để triển khai kế hoạch thực hiện REDD+ của xã Đông Giang được chương trình UN-REDD Việt Nam hỗ trợ.


Trích nguồn: Báo Bình Thuận.
Website: http://baobinhthuan.com.vn